Binh lực và ý đồ tác chiến của hai bên Trận_Leningrad

Quân đội Đức Quốc xã và đồng minh Phần Lan

Thống chế Wilhelm von Leeb (tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc), tướng Erich Hoepner, tướng Beaulieu-Marconnay và tướng Angern xem xét kế hoạch tấn công

Quân đội Đức Quốc xã

Cụm tập đoàn quân Bắc của Quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận Xô-Đức được giao nhiệm vụ tấn công về hướng Leningrad và vùng Tây Bắc Liên Xô có tổng quân số trên một triệu người với 20 sư đoàn bộ binh Đức, 4 sư đoàn xe tăng Đức, 2 sư đoàn cơ giới Đức, 7 sư đoàn quân Phần Lan và một sư đoàn Tây Ban Nha của Franco (Sư đoàn Xanh).[9][10] Số quân này được biên chế như sau:

  • Tập đoàn quân xe tăng 4 gồm quân đoàn xe tăng 38, 46, 47 và quân đoàn cơ giới 41 do tướng Erich Hoepner chỉ huy
  • Tập đoàn quân dã chiến 16 gồm các quân đoàn bộ binh 1, 2, 10, 28 và quân đoàn 50 thuộc tập đoàn quân 9 do tướng Ernst Busch chỉ huy
  • Tập đoàn quân dã chiến 18 gồm quân đoàn bộ binh 26 và quân đoàn cơ giới 42 do tướng Georg von Küchler chỉ huy
  • Quân đoàn xe tăng 56.
  • Tập đoàn quân không quân 1.

Quân đội Phần Lan

  • Quân đoàn bộ binh 1 (2 sư đoàn bộ binh).
  • Quân đoàn bộ binh 2 (2 sư đoàn bộ binh).
  • Quân đoàn bộ binh 4 (3 sư đoàn bộ binh).

Do địa bàn vùng Pribaltic tương đối quen thuộc với người Đức nên Thống chế Wilhelm Ritter von Leeb, tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc có thể đưa ra những giải pháp quân sự mà nước Đức Quốc xã đã áp dụng năm 1940 tại các nước Hà Lan, Bỉ, LuxemburgPháp. Đó là việc sử dụng những mũi đột kích mạnh của ba quân đoàn xe tăng để chia cắt và đẩy lùi ba tập đoàn quân Liên Xô phòng ngự tại vùng biên giới. Sau đó, khép chặt sườn phải với Cụm tập đoàn quân Trung tâm hợp vây các tập đoàn quân phía sau của Liên Xô trên vùng cửa ngõ phía Nam Leningrad, cắt đứt các tuyến giao thông từ Moskva đi Leningrad, hội quân với quân Phần Lan tại vùng hồ Ladoga, cô lập Leningrad trên bộ. Tại hướng ven biển, sử dụng quân đoàn cơ giới 57 phối hợp với tập đoàn quân 18 dồn quân đội Liên Xô ra biển ở hướng Riga - Tallinn, bao vây và tiêu diệt các binh đoàn này. Hướng phát triển tấn công của Cụm quân được hoạch định đến Arkhangelsk.[11]

Quân đội Liên Xô

Sát trước chiến tranh, tại vùng Leningrad, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô bố trí tại đây Quân khu Leningrad chỉ với 21 sư đoàn được biên chế trong các tập đoàn quân 7, 23, 42 và 54. Ngoài ra còn có tập đoàn quân 14 phòng thủ khu vực Murmansk trong vòng Bắc Cực. Tại các nước cộng hòa Litva, LatviaEstonia, Quân khu Pribaltic có trong biên chế 25 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới, được biên chế trong các tập đoàn quân 8, 11 và 27; các quân đoàn cơ giới 7 và 10.[12]

Chỉ 10 ngày sau khi nước Đức Quốc xã tấn công Liên Xô, Phương diện quân Pribaltic đã để mất toàn bộ phần đất tại các nước cộng hòa ven biển Baltic; bị tổn thất 2/3 tập đoàn quân, bị mất phần lớn xe tăng, xe thiết giáp của các quân đoàn cơ giới và phải lui sâu vào nội địa đến tuyến Tikhvin, Staraya - Russa và chuyển thành Phương diện quân Volkhov[12]. Quân khu Leningrad phải chuyển nhiệm vụ chiến lược và chủ lực của mình từ hướng Bắc (để đối phó với Phần Lan), sang hướng Đông, Nam và Tây Nam (để đối phó với quân Đức). Khi Leningrad bị bao vây và phải tách một phần binh lực cho Phương diện quân Karelia, biên chế của nó chỉ còn các tập đoàn quân 23, 42 và 54 cùng một quân đoàn cơ giới với vẻn vẹn một sư đoàn xe tăng 46. Tập đoàn quân 27 do bị tách rời khỏi chủ lực Phương diện quân nên được chuyển giao cho Phương diện quân Volkhov.[13]

Ý đồ phòng thủ ban đầu của Phương diện quân Leningrad là dựa vào tuyến sông Luga để lập một tuyến phòng ngự dài 250 km từ vịnh Phần Lan đến hồ Inmen. Phía sau tuyến này là các khu phòng thủ kiên cố tại tuyến Oranienbaum, Petrovkoye, Ropsha, Krasnoye Selo, Krasnovardeisk (Gatchina), Tosno. Phương thức phòng thủ theo tuyến ban đầu đã không ngăn được sức tấn công của tập đoàn quân 18 và tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức. Đến tháng 9 và tháng 10 năm 1941, Bộ Tư lệnh Phương diện quân phải từ bỏ phương thức này và tập trung binh lực giữ các con đường chính đi vào Leningrad từ các hướng Tây, Tây Nam và Nam.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Leningrad http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942NW... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/335949/S... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec44.html